Trong công bố xếp hạng mới nhất, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế chỉ ra lợi nhuận Eximbank năm 2023 về mức bình thường, ROA đạt 1,1%, so với 1,7% hồi 2022. Yếu tố này phản ánh độ nén của các mức biên độ lãi (NIM) sau loạt hành động cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Hãng ghi nhận ngân hàng đã cân đối lại danh mục cho vay vốn, góp phần tăng biên độ lợi nhuận theo hướng tập trung vào khoản cho vay cá nhân, khách hàng SME, đồng thời xử lý nợ xấu tồn đọng. Nỗ lực tái cơ cấu giúp nhà băng duy trì mức sinh lời cao, là cơ sở để S&P Global Ratings giữ nguyên đánh giá tín nhiệm đối tác dài hạn B+ và triển vọng "Ổn định" trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn.
Triển vọng ổn định cũng phản ánh kỳ vọng của tổ chức: ngân hàng tiếp tục tái cấu trúc, duy trì khả năng vốn hóa ở mức 1-1,2% trong 12-18 tháng tới. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện so với các năm trước, nhất là hồi 2021, ROA chỉ đạt 0,6%.
S&P Global cũng cho rằng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy tăng tín dụng và chất lượng tài sản ngân hàng. Dự báo GDP Việt Nam có thể đạt mức 5,8% năm nay và 6,7% vào 2025, so với 5% hồi 2023, trên đà tăng xuất khẩu toàn cầu và chính sách tiền tệ thích ứng. Eximbank dự kiến tăng 12-14% trong 12-18 tháng tới, cao hơn mức 7,6% năm 2023.
"Chất lượng nợ của Eximbank cải thiện đáng kể so với trước đại dịch. Chúng tôi tin tỷ lệ này sẽ duy trì ổn định trong 2024, trước khi tăng vào 2025", hãng đánh giá tín nhiệm nêu nhận định.
Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: Eximbank
Suốt 34 năm hoạt động, Eximbank được đánh giá là một trong những định chế tài chính có tốc độ phát triển mạnh trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, dựa trên nền tảng công nghệ số.
Nhà băng từng được loạt tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh giải Sao Khuê về lĩnh vực ngân hàng số (2023, 2024); hạng mục thanh toán quốc tế xuất sắc từ Wells Fargo, Citibank, JP Morgan và mảng thị trường ngoại hối 2023 do Sở Giao dịch chứng khoán London trao tặng.
Đại diện Eximbank tiết lộ đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mới, mở rộng cơ hội kinh doanh ở phân khúc chiến lược năm nay. Ban lãnh đạo xác định công nghệ là động lực dẫn dắt sự đổi mới, phát triển của ngân hàng theo cả chiều sâu lẫn rộng, do đó đầu tư mạnh công nghệ, hướng tới mục tiêu "hiện đại - xanh - an toàn - bảo mật".
"Công nghệ là cách chúng tôi tạo khác biệt trên thị trường, thu hút khách hàng", đại diện này nêu. Chiến lược này đồng thời hiện thực hóa mục tiêu Chuyển đổi số Quốc gia và chiến lược phát triển ngành ngân hàng năm 2025, định hướng đến 2030 của Chính phủ.
Trước đó, báo cáo tài chính quý II/2024 của Eximbank ghi nhận tổng tài sản tăng 4,1% so với quý I; dư nợ tín dụng tăng 3,7% so với ba tháng đầu năm. Trên tinh thần tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhà băng triển khai loạt giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung nguồn vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng kiểm soát tốt các chỉ số thanh khoản, an toàn, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 813 tỷ đồng, tăng 23% (gần 152 tỷ đồng) so với quý I và tăng 52% (gần 278 tỷ đồng) so với cùng kỳ quý II/2023.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ tối đa 1.218,606 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của nhà băng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.
Vạn Phát