Những ông bà không chăm cháu thay con

31/10/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Tổ Ấm
Những ông bà không chăm cháu thay con

Thay vì bế bồng các cháu giúp con, ngay khi nghỉ hưu ở tuổi 68, bà Bích Hường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đăng ký một khóa học đàn piano, đồng thời dành thời gian rảnh đi du lịch nước ngoài.

''Tôi có 11 đứa cháu, nếu đứa nào tôi cũng chăm thì không đủ sức. Còn chăm cháu nội không chăm cháu ngoại là thiếu công bằng'', bà Hường nói. Bà cũng muốn các con tự chăm để gần gũi đứa trẻ, dạy chúng theo cách của mình, đồng thời không xảy ra mâu thuẫn giữa ông bà và cha mẹ.

Khi con gái đầu sinh, bận rộn công việc bà khuyên nên thuê giúp việc và phụ giúp bằng cách nấu ăn cho vài tháng đầu. Đến khi vợ chồng con trai sinh cháu, định nhờ mẹ vợ hỗ trợ, bà Hường cũng khuyên không nên, nếu cần bà sẽ phụ chi phí thuê giúp việc. Người con gái thứ ba có năm đứa con cũng tự chăm nuôi, không nhờ bà ngoại.

''Chăm con giúp cho chúng tự sắp xếp cuộc sống. Phải lăn lộn thì mới bật lên, nỗ lực hơn được'', bà nói.

Mặc dù được mẹ hứa hỗ trợ chi phí thuê giúp việc, nhưng các con bà đều tự xoay xở, chưa ai phải nhờ mẹ tài chính cho khoản này.

Bà Bích Hường đến trường chụp ảnh lưu niệm cùng cháu ngoại nhân dịp cháu tốt nghiệp, tháng 8/2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở Thái Nguyên, khi 6 người con chưa lấy vợ, lấy chồng, bà Đào Thị Cốc, 91 tuổi, thông báo không ở chung cũng không chăm cháu. Ông Vũ Hữu Giao (chồng bà) nói ''có giục bà cũng không đi".

"Bà ấy nói thà cho một khoản tiền để thuê người chăm cháu giai đoạn đầu chứ không trực tiếp chăm đứa nào'', ông Giao kể.

Bà Cốc thấy sức già không thể thức khuya, tỉnh giấc nửa đêm với cháu nhỏ, càng không thể bế ẵm, đút cho ăn khi chúng vài tuổi. Thời gian và sức lực đó, bà dành chạy chợ để có thêm thu nhập, trồng rau, nấu cơm ngày hai bữa cho chồng tham gia các hoạt động của người cao tuổi.

''Không cùng con chăm cháu là không có bất đồng quan điểm, không mâu thuẫn. Mình không áp lực mà con cũng không áp lực'', bà Cốc nêu quan điểm. Mỗi lần các con sinh, tùy thời điểm, ông bà đến thăm cháu, ở lại chơi một tuần đến 10 ngày, tặng mỗi cháu 3-5 triệu đồng, tùy thời điểm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sức khỏe người cao tuổi và Y tế cộng đồng, cho rằng sống vì con cháu, lấy con cháu làm trung tâm, thước đo hạnh phúc là quan niệm của đa số người Việt từ trước tới này.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Huy Nga cho rằng trẻ nhỏ có nhiều năng lượng tích cực, trong khi người già yếu nên việc tiếp xúc thường xuyên giữa hai thế hệ có ích cho người cao tuổi. Không những vậy, khi chăm sóc cháu, ông bà được giao lưu, thấy mình có giá trị và bớt cô đơn.

Trẻ nhỏ kết nối với ông bà cũng được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm hay, kiến thức về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, nếu ông bà có sức khỏe, hạnh phúc với việc chăm sóc cháu thì nên làm, cũng là giúp tinh thần tốt hơn.

Tuy nhiên trong thời đại mới, có nhiều dịch vụ hỗ trợ chăm con như thuê giúp việc, cho đi học sớm nên một số cặp vợ chồng trẻ không cần bố mẹ hỗ trợ như trước kia. Các ông bà cũng nghĩ đến sức khỏe, nhu cầu cá nhân nhiều hơn nên từ chối việc chăm cháu.

Dù chưa thực sự rõ rệt nhưng vài năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự thay đổi trong quan điểm của người cao tuổi: Về già nhưng kiên quyết không thay con chăm cháu.

Theo Viện Dân số sức khỏe và Gia đình, năm 2020, 19% số người cao tuổi được khảo sát, sống riêng hai vợ chồng, 8,6% ở một mình, trong đó hơn một nửa ở gần con cái như sống cùng phường, cùng xã để tiện đi lại, chăm sóc.

Trong một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng bạn đời cũng tăng từ 9,48% vào năm 1992-1993 lên 50,4% vào năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con từ gần 80% năm 1992 giảm xuống 28% vào năm 2017.

Ông Giao (áo caro) và bà Cốc (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các con, cháu, nhân dịp trao thưởng quỹ khuyến học do ông thành lập cho các cháu, hôm 3/9. Ảnh nhân vật cung cấp

PGS. TS Nguyễn Huy Nga lưu ý, nếu chỉ nghĩ đến bản thân, sống tách biệt với con cháu, khi sức khỏe không còn, vòng tròn bạn bè và nhu cầu giải trí thu hẹp, lại không muốn sống trong viện dưỡng lão, người già sẽ cô đơn, thậm chí rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Ông cũng cho rằng với những cặp vợ chồng trẻ không có điều kiện kinh tế, không được cha mẹ hỗ trợ chăm cháu có thể khiến họ sợ sinh thêm con, góp phần giảm tỷ lệ sinh.

Thu Hòa, 32 tuổi, ở Đống Đa quyết không sinh thêm con dù con gái đã lên lớp 1. Vợ chồng trẻ muốn kế hoạch đến khi kinh tế ổn định mới sinh con, nhưng bị gia đình nội thúc giục nên đẻ luôn. Có cháu, bà nội lên chơi hai tuần, nhưng từ chối chăm vì không quen cuộc sống chật chội ở thành phố.

Mẹ đẻ mất sớm, thu nhập không đủ thuê giúp việc, cô đành phải nghỉ làm. Một mình chồng Hòa nuôi ba miệng ăn, lại lo trợ cấp cho bố mẹ ở quê, vì ông bà không có thu nhập. Cuộc sống chật vật khiến họ nảy sinh mâu thuẫn, suýt ly hôn.

Chỉ đến khi con cứng cáp, có thể cho đi học trường công, cô mới đi làm lại. Kinh tế gia đình từ đó cũng mới bớt khó khăn. ''Tôi nhận ra chỉ nên sinh con khi tài chính đủ tốt vì không thể trông mong vào ông bà hỗ trợ'', Thu Hòa nói.

Chuyên gia lưu ý, tùy điều kiện sức khỏe, mong muốn của từng ông bà để quyết định có nên chăm cháu hay không. Nếu chọn cuộc sống độc lập, không chăm sóc, bế bồng, ông bà vẫn cần thường xuyên giao lưu, tạo sợi dây kết nối với con cháu để duy trì tình cảm gia đình.

Bà Bích Hường cho biết dù không trực tiếp chăm sóc vẫn gần gũi, theo dõi từng bước trưởng thành của các con, cháu. ''Khi các con gặp khó khăn không thể tự lo, tôi sẵn sàng nâng đỡ, dù phải bán cả gia sản'', bà nói.

Bà bắt nhịp với thời đại mới, thích lên mạng xã hội, nhờ vậy hiểu tâm tư của người trẻ, hay tụ tập, tổ chức các buổi gặp mặt với các cháu. Đầu năm bà phát phần thưởng học kỳ I. Cuối năm, cháu nào dự thi quận, thành phố được giải bà cũng tặng quà.

Cháu học cao học trong nước hoặc nước ngoài đều được bà treo thưởng lớn. Những đứa trẻ quấn quýt bà, vì biết yêu thương được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.

"Như vậy là tôi không trực tiếp bế ẵm, không tự biến mình thành osin cho các con, chứ vẫn chăm cháu", bà nói.

Bà Bích Hường làm phòng bóng để các cháu mỗi lần về thăm có chỗ chơi đùa. Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Vũ Hữu Giao cho biết, cứ cuối tuần, các con cháu lại thay nhau tụ về chơi cùng ông bà. Mỗi năm, gia đình ông có hai ngày con cháu tề tựu đông đủ nhất là dịp 2/9 và ngày mùng 2 Tết.

Lễ Quốc khánh trùng với ngày giỗ chạp của dòng họ, cũng là dịp để ông trao phần thưởng từ quỹ khuyến học cho các cháu. Còn Tết là dịp người trẻ về mừng thọ ông bà, cả gia đình trò chuyện, thăm hỏi nhau.

Tuổi cao, nhưng ông bà tập dùng mạng xã hội để thi thoảng lại gọi các cháu hỏi thăm và yêu cầu các con đốc thúc các cháu ở xa thường xuyên gọi cho ông bà. ''Chúng tôi không trực tiếp chăm sóc cháu nhưng thể hiện tình yêu theo cách khác, đối xử công bằng, bàn bạc dân chủ, dạy con cháu về tình thương và sự đoàn kết gia đình'', ông nói.

Vợ chồng ông Giao không thích trực tiếp chăm cháu, nhưng các con của ông lại rất hào hứng được đi trông chắt.

''Tôi nghĩ mỗi người một hoàn cảnh, một mong đợi về việc nên chăm cháu hay không. Không thể lấy gia đình này áp đặt vào gia đình khác'', ông Giao nói.

Phạm Nga

Tin liên quan
Tin Nổi bật