Ứng dụng trò chơi giúp bệnh nhân đảo ngược quá trình sa sút trí tuệ

26/11/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Ứng dụng trò chơi giúp bệnh nhân đảo ngược quá trình sa sút trí tuệ

Đây là ứng dụng được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 và nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc tế xây dựng giúp những bệnh nhân chớm mắc bệnh Alzheimer rèn luyện như một trò chơi online "nâng cao thể lực" não bộ, làm chậm thậm chí đảo ngược quá trình sa sút trí tuệ.

Khoảng một năm nay, bà Linh thường xuyên mất tập trung đọc sách hoặc nghe người khác nói chuyện, đôi khi quên mất những việc mình vừa làm tức thì. Bà đến Bệnh viện Quân y 175 khám, bác sĩ chẩn đoán suy giảm nhận thức giai đoạn nhẹ. Bên cạnh dùng thuốc và thay đổi lối sống theo hướng dẫn, bà quyết định tham gia vào nghiên cứu can thiệp bằng ứng dụng BrainTrain.

Hàng ngày bà mở ứng dụng trên điện thoại, mải mê với các bài tập được thiết kế thành những trò chơi như ghi nhớ màu, tìm hình mới, đó là hình nào, bắt cặp, mua sắm... theo các cấp độ từ dễ, trung bình đến khó. Bà có thể theo dõi tiến trình rèn luyện thông qua biểu đồ, điểm số được lưu trữ. Việc tập luyện 15-30 phút mỗi ngày dần trở thành thói quen, nhờ vào thông báo nhắc nhở mỗi ngày từ ứng dụng cũng như từ bác sĩ.

"Các trò chơi có rất nhiều hình ảnh thú vị, màu sắc sinh động. Cả gia đình đều nhận thấy tôi cải thiện rõ rệt về khả năng tập trung và trí nhớ qua mỗi ngày", bà Linh nói.

Mỗi khi hoàn thành các trò chơi, bà rất hào hứng vì cảm giác "vượt được chướng ngại vật" và có động lực tiếp tục tập luyện. Điều bà thích nhất là có người gọi điện nhắc nhở và bác sĩ hẹn đến kiểm tra lại, giúp bà luôn yên tâm và tin tưởng.

Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết trước khi chuyển thành sa sút trí tuệ - thuộc giai đoạn "bệnh nan y", không thể chữa khỏi, người bệnh sẽ có "thời kỳ cửa sổ" được gọi là giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ. Lúc này, số lượng tế bào thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể, nhiều vùng não vẫn chưa bị teo. Khoảng 10-15% người bị suy giảm nhận thức nhẹ sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ mỗi năm. Nhiều người còn nhầm lẫn tình trạng bệnh lý này như là một lẽ tự nhiên của tuổi già.

Ước tính, Việt Nam có hơn nửa triệu người bệnh sa sút trí tuệ. Trong bối cảnh già hóa dân số, lượng người bệnh được dự đoán sẽ tăng nhanh. Phần lớn người bệnh sống trong tình trạng mất chức năng và phải lệ thuộc vào người khác, dẫn đến gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Chữa sa sút trí tuệ hiện chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng và làm trì hoãn tiến trình bệnh, song hiệu quả thường không cao.

Nhận diện sớm, can thiệp kịp thời ở giai đoạn nhẹ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp làm chậm diễn tiến thành Alzheimer, thậm chí đảo ngược được quá trình này. Tuy nhiên, do triệu chứng suy giảm nhận thức nhẹ chưa ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hằng ngày, đa số người bệnh thường chủ quan hoặc không nhận ra được đây chính là bệnh, dẫn đến tiến trình trở thành sa sút trí tuệ diễn ra rất nhanh.

Trên thế giới, điều trị ở giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ chủ yếu bao gồm thuốc hỗ trợ ngăn chặn tiến triển bệnh, cùng các liệu pháp rèn luyện "trí não" chuyên biệt. Việc rèn luyện này đã được chứng minh là phương pháp hiệu quả làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ. Ở Việt Nam, việc tập luyện hàng ngày tại các trung tâm điều trị vẫn là một thách thức lớn với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế.

Để giải quyết vấn đề này, giúp bệnh nhân có thể dễ dàng tự tập luyện nhận thức tại nhà như một số nước châu Âu, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 và nhóm nghiên cứu của TS. Hà Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo thuộc Khoa Kỹ thuật y sinh, cùng Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM, bắt tay xây dựng ứng dụng tập luyện nhận thức BrainTrain.

Tiến sĩ Hương, 35 tuổi, là nữ tiến sĩ đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 15 nhà nghiên cứu trẻ toàn cầu được giải thưởng Early Career Award năm 2020 của Tổ chức Nghiên cứu não quốc tế. Cô tốt nghiệp nghiên cứu sinh ngành thần kinh học của ĐH Stanford (Mỹ), chủ nhân nhiều công trình nghiên cứu, giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Bệnh nhân được đo điện não trước khi tiến hành nghiên cứu thử nghiệm BrainTrain. Ảnh: Hiểu Khuê

Manh nha từ năm 2018, ứng dụng chính thức hoạt động vào cuối năm 2022 sau nhiều lần chỉnh sửa. Đây được xem là một "phòng tập thể lực cho não bộ", hoàn toàn bằng tiếng Việt, với 12 trò chơi được thiết kế đặc biệt cho người suy giảm nhận thức nhẹ, nhằm rèn luyện bốn kỹ năng chính: trí nhớ, tập trung, ngôn ngữ và toán học. Các bài tập được phân cấp độ từ dễ đến khó, phù hợp với tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Đặc biệt, ứng dụng cho phép người dùng tự theo dõi sự tiến bộ của mình qua mỗi bài tập.

Không giống các trò chơi trí tuệ thông thường, BrainTrain được xây dựng trên cơ sở khoa học, với mục tiêu cụ thể là cải thiện chức năng nhận thức. Các bài tập không chỉ giúp "vận động" trí não mà còn được thiết kế có hệ thống nhằm tối ưu hóa quá trình rèn luyện nhận thức. Người bệnh có thể tập luyện mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến các trung tâm y tế, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại sự linh hoạt trong việc chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ cũng dễ dàng theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện, xem kết quả rèn luyện để điều chỉnh liệu pháp can thiệp.

Gần hai năm qua, ứng dụng được thử nghiệm trên chính người Việt Nam thông qua một nghiên cứu có đối chứng với quy mô lớn và công phu. Các bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ được đánh giá nhận thức trước và sau khi sử dụng ứng dụng. Đồng thời, với sự hỗ trợ của các thiết bị ghi điện não và phân tích tín hiệu bằng trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự thay đổi tích cực trong hoạt động não bộ của người dùng BrainTrain. Kết quả này được TS. Hương công bố tại Hội nghị Sa sút trí tuệ châu Á Thái Bình Dương tổ chức ở Malaysia vào tháng 8, thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia đầu ngành.

"Rất nhiều gian nan trong quá trình thực hiện", bác sĩ Nghĩa nói. Mỗi cuộc đo điện não thường kéo dài khoảng một giờ. Các thành viên phải tranh thủ những ngày cuối tuần, thời gian nghỉ trưa, ngoài giờ làm việc, hẹn bệnh nhân đến kiểm tra. Để xây dựng được ứng dụng miễn phí cho bệnh nhân, nhóm đã nhờ đến sự hỗ trợ về kinh phí từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin của các cựu sinh viên Trường ĐH Quốc tế. Các thành viên còn bỏ tiền túi hỗ trợ chi phí đi lại cho bệnh nhân đến tham gia nghiên cứu.

Bác sĩ thăm khám, giải thích, hướng dẫn người bệnh dùng ứng dụng. Ảnh: Hiểu Khuê

Theo ThS.BS Trần Thị Hoài Thu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, thành viên nhóm nghiên cứu, sự cải thiện trong các thang điểm đánh giá của bệnh nhân kể từ khi bắt đầu dùng BrainTrain là động lực to lớn giúp nhóm tiếp tục phát triển, hoàn thiện ứng dụng với nhiều câu hỏi, trò chơi mới. Thời gian tới, nhóm sẽ thiết kế thêm những bài tập phù hợp nhóm bệnh nhân ở nông thôn, với những hình ảnh đặc trưng vùng quê hơn như con trâu, cái cày...

Ứng dụng này được đề cử Thành tựu Y khoa Việt Nam 2024 do Sở Y tế TP HCM phối hợp tổ chức. Trước đó, BrainTrain đoạt giải ba cuộc thi startup "Chuyển đổi số - Thách đố sáng tạo" năm 2023, Huy chương Bạc giải thưởng "Thiết kế, chế tạo, ứng dụng" tại Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP HCM năm 2024.

Bác sĩ khuyến cáo nên đánh giá nhận thức ở người từ 50 tuổi, có bất kỳ một trong những biểu hiện như thường xuyên quên các cuộc hẹn hay sự kiện quen thuộc; giảm tập trung, chú ý, không thể đọc hay theo dõi hết nội dung của một quyển sách, một bộ phim; khó khăn khi đưa ra quyết định hoặc làm theo hướng dẫn; khó khăn khi tham gia trò chuyện.

Người bệnh và thân nhân cần nhận diện được các bất thường như dễ đi lạc hoặc khó xác định phương hướng quanh các khu vực quen thuộc, gặp khó khăn trong việc hoàn thành các công việc thường nhật trước đó (đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, uống thuốc, thanh toán hóa đơn)... Đây là những người cần được đánh giá nhận thức và can thiệp kịp thời trước khi quá muộn.

Lê Phương

Tin liên quan
Tin Nổi bật